Ngày nay có rất nhiều thiết bị sử dụng thẻ nhớ, thông dụng nhất là các điện thoại di động “đa phương tiện”, và không ít trục trặc xảy ra liên quan đến tấm thẻ mỏng manh này. Bài viết này sẽ giúp bạn tự giải quyết một số lỗi phổ biến nhất cũng như cách sử dụng, bảo quản để thẻ nhớ luôn ở trong tình trạng tốt.
Giờ đây với các dòng điện thoại hiện đại, thông minh và có tính giải trí cao như lưu trữ, chụp hình, quay phim, chơi game, nghe nhạc, xem phim thì thẻ nhớ (SD, MMC) luôn là một phần không thể thiếu. Để công cụ giúp giải tỏa stress này có thể vận hành một cách khỏe mạnh và không bị lỗi, bạn cần quan tâm đến một vài điều cơ bản sau:
1. Thẻ nhớ có dung lượng lớn - con dao 2 lưỡi
So với cách đây vài năm, giá thẻ nhớ đã giảm rất nhiều tạo điều kiện cho người sử dụng có thêm một công cụ mới để mang dữ liệu theo bên mình. Chỉ với tầm 300 nghìn đồng, bạn đã có thể sắm cho mình một chiếc thẻ nhớ có dung lượng 1GB, nên số lượng người mua thẻ nhớ rất lớn. Tuy nhiên, một thực tế thường xảy ra đi kèm với chiếc thẻ có sức chứa khổng lồ này là hiện tượng máy điện thoại chạy chậm, tự nhiên treo máy một cách vô cớ. Mỗi khi bạn khởi động bất kỳ một chương trình nào đó, máy sẽ phải rất vất vả tìm kiếm nên rất lâu sau đó chương trình mới hiện ra. Và cũng vì có quá nhiều dữ liệu phải tìm kiếm nên đôi khi máy bị đứng hoặc treo. Cách duy nhất là tắt nguồn rồi khởi động lại. Cũng có trường hợp không thể tắt máy được, buộc chúng ta phải tháo pin ra rồi lắp lại máy mới hoạt động.
Vì vậy nếu bạn muốn trang bị chiếc thẻ nhớ có dung lượng trên 1GB, bạn cần xem lại sự tương thích giữa dung lượng thẻ và khả năng vận hành của máy. Thông thường bất kỳ model điện thoại nào cũng có thông số đi kèm như có thể sử dụng được thẻ có dung lượng thích hợp là bao nhiêu. Bạn cần quan tâm đến điều này để tránh trường hợp máy bị treo, vì treo máy hoặc chết máy xảy ra thường xuyên rất dễ làm hỏng các phần mềm và hệ điều hành của máy. Theo khuyến cáo thì đối với các dòng điện thoại chuyên giải trí, dung lượng thẻ thích hợp là từ 256 MB đến 512 MB. Thẻ 1 GB trở lên chủ yếu tương thích với các dòng điện thoại cao cấp, các dòng máy smart phone.
2. Lỗi “Memory card corrupted”
Thông báo này cho biết thẻ nhớ bị lỗi, chủ yếu là do các chương trình trên thẻ bị lỗi hoặc do phần giao tiếp thẻ đọc trên máy có vấn đề. Để biết rõ hơn lỗi thuộc về phần nào, bạn kiểm tra như sau: Cho chiếc thẻ nhớ vào máy khác, nếu máy có thông báo tương tự thì chắc chắn là lỗi ở thẻ nhớ. Ngược lại, nếu bạn cho bất kỳ một chiếc thẻ nhớ nào vào máy mình mà máy đều thông báo “Memory card corrupted” hoặc máy không chịu đọc thẻ với thông báo “System Error” thì máy bạn đã bị hỏng phần giao tiếp giữa thẻ và máy. Với thẻ bị lỗi thì bạn có thể format lại thẻ (vào Memory để thực hiện lệnh format). Nếu thẻ vẫn bị tình trạng cũ thì phải nhờ đến phần mềm MMC Medic (có thể tải từ địa chỉ http://www.n-gage-help.com/upload/1/mmcmedic.exe). Còn nếu hỏng phần giao tiếp máy thì bạn mang máy đến các trung tâm bảo hành nhờ sữa chữa.
3. Lỗi “App Close”
Lỗi này cũng ở thẻ nhớ, do sau khi xóa bỏ một chương trình nhưng một số file rác cài đặt còn nằm lại đâu đó. Truy cập vào theo đường dẫn C:\system\bootdata, thấy file Firstboot.dat thì lập tức chọn và xóa nó đi rồi tắt máy và tháo thẻ ra, khởi động lại máy. Thêm một lần tắt máy nữa. Lần này thì cho thẻ vào lại và khởi động máy. Nếu tình hình không biến chuyển có thể dùng đến lệnh Format (*#7370#). Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thể format thẻ trên ĐTDĐ. Bạn có thể chuyển qua format trên máy tính bằng phần mềm phần mềm MMC Medic nói trên. Gắn thẻ vào đầu đọc và nối với máy tính. Chọn phần File System là FAT.
4. Lỗi “Out Of Memory”
Bạn cho thẻ nhớ vào máy, máy không đọc được và hiện thông báo là “Out Of Memory”. Đây là trường hợp rất dễ xảy ra của các dòng máy chuyên chơi game, nhất là khi game thủ có nhu cầu đổi thẻ các trò chơi liên tục. Nguyên nhân là do bộ nhớ của máy đã đầy nên khi nhận thẻ nhớ, máy sẽ không kịp đọc được một cách dễ dàng, nhanh chóng. Cách khắc phục đơn giản nhất là bạn thử lấy thẻ ra rồi cắm lại. Có thể thử thêm 2 lần nữa bởi trong quá trình đó máy đã ổn định hơn nên sẽ tiếp nhận thẻ. Nếu vẫn chưa được thì tốt nhất bạn nên xóa bớt một số chương trình không cần thiết trong bộ nhớ của máy như tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh. Chắc chắn lúc này máy sẽ nhận thẻ.
5. Thẻ bị nhiễm virus
Nguyên nhân là do các bạn tải các chương trình bị nhiễm virus trên mạng về thẻ hoặc lây lan từ máy tính bị virus và có thể tự copy lên thẻ nhớ. Khi bị nhiễm virus, ngoài một số hiện tượng như treo máy, báo lỗi chương trình, một vài virus có thể khóa thẻ nhớ không cho truy cập nội dung khiến điện thoại không thể đọc hoặc nhận ra thẻ nhớ khi được cắm vào. Trên thẻ nhớ có thể có rất nhiều file rác và thư mục có đuôi .sis. Khi đó, nếu kiểm tra dung lượng thẻ nhớ bạn sẽ thấy một nghịch lý: thẻ nhớ còn trống rất nhiều nhưng không sao chép được, hoặc được thông báo thẻ có dung lượng khổng lồ vài trăm GB nhưng thực tế dung lượng thẻ chỉ có vài trăm MB. Kèm theo đó bạn sẽ không thể xóa được các file và thư mục. Có 2 cách để giải quyến vấn đề này là dùng các phần mềm có cập nhật virus thường xuyên như F-Secure (địa chỉ www.f-secure.com ) cài trực tiếp vào bộ nhớ. Chạy chương trình và tìm những file có đuôi .AIF, chọn và delete chúng hoặc format lại thẻ nhớ nếu bên trong thẻ nhớ của bạn không có gì quan trọng lắm.
6. Một vài rắc rối khác
Cũng cùng một chiếc thẻ nhớ đó nhưng bạn cho vào máy này thì đọc được nhưng chuyển sang máy khác thì lại không đọc được. Hoặc có lúc trên cùng một chiếc ĐTDĐ, lúc này đọc được lúc khác lại... tịt. Với những rắc rối như vậy, bạn có thể yên tâm là thẻ nhớ không bị hỏng hay phần giao tiếp của máy và thẻ bị hỏng. Lỗi này chủ yếu là do phần tiếp xúc giữa thẻ và máy chưa ăn khớp nhau. Bạn có thể lấy thẻ ra và cắm lại để 2 giao diện này hiểu nhau thì mọi chuyện sẽ ổn.
7. Bảo quản thẻ nhớ đúng cách
Tiện ích của thẻ là có thể sao chép rồi xóa nhiều lần. Nhưng như thế không có nghĩa là khả năng làm việc của thẻ nhớ là vô hạn. Thiết kế của thẻ nhớ cho phép đọc/ghi trung bình khoảng 10.000 lần và 1.000 lần format. Chăm sóc và sử dụng thẻ nhớ đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của thẻ nhớ. Cách chăm sóc tốt nhất là nếu không dùng thẻ nữa thì bạn hãy cất thẻ vào trong hộp nhựa đi kèm. Thẻ nhớ để bên ngoài sẽ rất dễ bị rỉ sét các mạch điện tửã. Các mạch này đã hỏng đồng nghĩa với việc bạn phải tốn thêm một khoản tiền để mua thẻ mới vì chiếc thẻ cũ coi như vứt đi.
Đáng lưu ý nhất là trước khi rút thẻ ra ngoài, bạn cần thực hiện đúng quy trình bảo quản thẻ. Nếu là các đời máy cũ có khe cắm thẻ bên trong thì trước khi lấy thẻ bạn nên tắt máy tháo pin. Còn với những model điện thoại đời mới bây giờ, khe cắm thẻ thiết kế bên ngoài tiện dụng, cho phép người dùng tháo lắp mà không cần tháo pin hoặc thẻ SIM. Tuy nhiên, tháo lắp thường xuyên có thể gây hại cho thẻ. Nếu tháo thẻ nhớ trong khi có phần mềm đang sử dụng có thể làm hỏng file dữ liệu, thậm chí hỏng cả định dạng thẻ (lỗi corrupt). Chức năng gỡ bỏ thẻ nhớ gần giống như cách gỡ ổ USB ra khỏi máy tính:
Bạn ấn nhẹ vào nút nguồn để nhận thông báo Remove Mem.Card, sau đó bạn tiếp tục ấn OK. Thông báo Memory can be removed now sẽ hiện ra. Lần này bạn yên tâm lấy thẻ ra mà không ngại làm hại thẻ. Thực hiện tuần tự các thao tác trên sẽ giúp thẻ không bị mất dữ liệu đồng thời máy hoạt động ổn định, hệ điều hành và các chương trình sẽ không bị dừng một cách đột ngột. O