Chỉ là một lễ khánh thành chính chức, còn thực tế, Nhà máy đã đi vào sản xuất từ hồi tháng 6/2013, tất nhiên với quy mô công suất ở mức thấp.
Vào thời điểm đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Ivan Herd, Tổng giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam cho biết, Nokia đã có những chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên.
Khi mới bắt đầu đi vào sản xuất, dòng sản phẩm Nokia 105 được Nokia lựa chọn, sau đó, sẽ là các dòng ĐTDĐ phức tạp hơn.
Ngày 28/10 này, Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia tại Bắc Ninh chính thức khánh thành
“Việc có sản xuất smartphone ở Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu...”, ông Ivan Herd trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn.
Như vậy, trước mắt, có thể hiểu rằng, nhà máy của Nokia ở Bắc Ninh sẽ tập trung sản xuất các dòng điện thoại phổ thông, khác với Samsung - “đối thủ truyền kiếp” của Nokia và hiện đã vượt Nokia để trở thành nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất toàn cầu - sản xuất tại Việt Nam tất cả những sản phẩm mũi nhọn của hãng.
Hiện smartphone đình đám nhất của Samsung - Galaxy Note 3 - cũng đã được sản xuất tại Bắc Ninh và nhờ vậy, Galaxy Note 3 đã ra mắt thị trường Việt Nam hôm 25/9 vừa qua, cùng thời điểm với rất nhiều thị trường lớn khác trên toàn cầu.
Nokia chính thức khởi công Nhà máy Sản xuất ĐTDĐ tại Khu công nghiệp - đô thị VSIP Bắc Ninh vào tháng 4 năm ngoái, với tổng vốn đăng ký 302 triệu USD.
Kế hoạch ngay từ ban đầu, khi đi vào hoạt động, phần lớn sản phẩm của nhà máy Nokia Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng tăng dần (dự kiến tăng từ mức 80% của năm đầu tiên đi vào hoạt động lên 92% trong năm kế tiếp và lên tới 95% một năm sau đó, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định).
Công suất của nhà máy khi đi vào hoạt động ổn định có thể đạt 45 triệu sản phẩm/quý, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 nhân công.
Đây là dòng điện thoại đầu tiên được sản xuất tại nhà máy ở Bắc Ninh.
Trong khi đó, hồi tháng 6 vừa qua, Samsung đã nhận chứng nhận đầu tư cho giai đoạn III, để nâng tổng vốn đầu tư cho nhà máy sản xuất ĐTDĐ Samsung Electronics Việt Nam (SEV) lên 2,5 tỷ USD. Còn Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, cũng đã được khởi công hồi cuối tháng 3 vừa qua. Khi cả hai nhà máy sản xuất ĐTDĐ này của Samsung đi vào hoạt động ổn định, có thể cung cấp ra thị trường khoảng 240 triệu sản phẩm/năm.
Cùng với Samsung, và mới nhất là Nokia, thì LG - tập đoàn điện tử Hàn Quốc - cũng đã nhận chứng nhận đầu tư cho dự án 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng. Trong phần vốn đầu tư này, LG có đặt mục tiêu sản xuất smartphone. Tuy nhiên, theo giấy chứng nhận đầu tư, thì quy mô sản xuất smartphone của LG khá nhỏ bé, chỉ khoảng 600.000 sản phẩm/năm.
Hiện vẫn chưa có công bố cụ thể của LG về việc khi nào thì Tập đoàn chính thức sản xuất smartphone ở Việt Nam.
Theo Báo đầu tư