Microsoft và Google vừa cho biết tất cả điện thoại vận hành hệ điều hành của họ sẽ được trang bị khả năng tự khóa từ xa hay còn gọi là “Kill switch”, làm chúng không thể sử dụng được nếu bị đánh cắp. Quyết định này đến từ sự ủng hộ của các cơ quan luật pháp khi cho rằng biện pháp an ninh này có thể sẽ làm giảm thiểu việc đánh cắp smartphone.
Kill switch” là một tính năng phần mềm cho phép người dùng khóa thiết bị của họ từ xa sau khi bị đánh cắp. Như thế, smartphone hay tablet sẽ trở nên hoàn toàn vô dụng, ngăn cản kẻ đánh cắp bán lại chúng vào thị trường chợ đen. Người dùng vẫn có thể hồi phục thiết bị của mình trở lại tình trạng ban đầu bằng cách nhập mật mã đúng cùng với thông tin xác định danh tính như số CMND. Tính năng này rất giống với cách mà ta có thể khóa thẻ tín dụng trong trường hợp thất lạc, bị mất cắp.
Tính năng “Kill switch” đã tồn tại trên các thiết bị vận hành hệ điều hành iOS của Apple nhưng với tên gọi “Activation Lock”. Theo dữ liệu của các cơ quan cảnh sát tại 3 TP New York, San Francisco – Mỹ và London – Anh, từ lúc tính năng “Activation Lock” của Apple được đưa vào các sản phẩm của họ vào tháng 9 năm ngoái, tỉ lệ trộm cắp iPhone đã giảm nhanh chóng. Tại San Francisco, tỉ lệ này giảm 38%, tại London giảm 24%. Còn tại New York, nơi mà các vụ cướp thường kèm theo đe dọa bạo lực, tỉ lệ đánh cắp iPhone đã giảm 19% trong vòng 5 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, tỉ lệ đánh cắp các sản phẩm của Samsung (vốn vận hành Android) tăng 51% trong cùng thời gian này.
Samsung cũng đã nhanh chóng đưa vào một tính năng “Kill switch” trong các smartphone Galaxy S5 của họ vào tháng 4-2014. Ảnh hưởng của việc này vẫn chưa rõ ràng vì chưa có dữ liệu cụ thể. Microsoft, Google, Samsung và nhiều công ty mạng tại Mỹ đã cam kết đưa các biện pháp an ninh để phòng chống nạn đánh cắp smartphone. Riêng Microsoft và Google đều cam kết tích hợp tính năng “Kill switch” vào các bản nâng cấp tiếp theo của các hệ điều hành họ quản lý.
Các nhà làm luật cũng đang cố gắng đẩy tính năng “Kill switch” này thành một yêu cầu bắt buộc cho các thiết bị di động, tương tự như luật buộc phải thắt dây an toàn trên ô tô. Một tính năng khác vốn tồn tại khá lâu sẽ cho phép người dùng tìm đến thiết bị bị đánh cắp của mình thông qua định vị toàn cầu GPS. Trong iOS, tính năng này được gọi là Find my phone, trong khi người dùng Android có thể tìm điện thoại của mình thông qua trình Android device manager.
(Theo Người Lao Động)