10:21' 03/12/2008 (GMT+7)
Mọi thách thức đều tiềm ẩn trong nó một cơ hội. Và đó chính là điều mà tôi đã tìm thấy tại Hà Nội.
Đầu tiên, một kỹ thuật viên tháo tung điện thoại để lấy ra bo mạch chủ. Ảnh: Dong Ngo/CNET
Điệp vụ bất khả thi?
Thách thức tôi muốn nói đến ở đây chính là iPhone 3G, mẫu điện thoại mới nhất của Apple. So với phiên bản iPhone đầu tiên, bẻ khoá iPhone 3G là một công việc khó nhằn và xương xẩu hơn nhiều.
Nếu không có phần mềm bẻ khoá chính thống, cách duy nhất để iPhone 3G vận hành được trên mọi nền mạng GSM là phải sử dụng SIM proxy (uỷ quyền).
Nhét thẻ SIM siêu mảnh này vào máy, đè lên SIM của nhà cung cấp dịch vụ di động - bạn sẽ có thể gọi điện và nhắn tin trên một mạng GSM mới.
Tuy nhiên, SIM proxy tiềm ẩn rất nhiều hạn chế, chẳng hạn như ngốn pin, không ổn định và quan trọng nhất, nó không tương thích với dịch vụ nhạc số iTunes của Apple.
Điều không may nữa là gói phần mềm cập nhật mới nhất dành cho iPhone - iPhone 2.2 càng khiến cho mở khoá iPhone 3G giống với bộ phim "Điệp vụ bất khả thi".
Chỉ có một ngoại lệ - ấy là bạn đang có mặt tại Hà Nội. Tại đây, tôi đã gặp một thanh niên làm được điều "không thể".
Tên anh ta là Đỗ Tuấn Anh, một doanh nhân 29 tuổi đang sở hữu tới 5 tiệm sửa chữa ĐTDĐ. Phục vụ các khách hàng sử dụng iPhone và iPhone 3G chính là một phần việc quan trọng của Tuấn Anh mỗi ngày.
Và công việc mà khách hàng yêu cầu Tuấn Anh làm nhiều nhất chính là bẻ khoá thiết bị ngay từ cấp độ phần cứng.
Màn ảo thuật
Tôi đã đến một trong 5 cửa tiệm sửa chữa điện thoại của Tuấn Anh. Nó nằm trên phố Nguyễn Du, một con phố khá nhỏ và yên ắng của Hà Nội.
Căn nhà cao tới 4 tầng, nhưng bề ngang rất hẹp. Tầng 1 có nhiệm vụ tiếp tân, trong khi tầng 2 là "địa bàn" của bộ phận kế toán. Tầng cao nhất chính là khu vực kỹ thuật, nơi "màn ảo thuật" diễn ra.
Chính tại đây, tôi đã chứng kiến cảnh một chiếc điện thoại iPhone 3G mới tinh bị bẻ khoá phần cứng. Thú thật, tôi đã thực sự bị ấn tượng.
Đầu tiên, một kỹ thuật viên mở tung điện thoại ra, lột tới tận bo mạch chủ. Bằng đôi bàn tay thành thạo và khéo léo, anh ta "bóc tách" iPhone 3G thoăn thoắt và dễ như bóc kẹo.
Tiếp đó, anh chàng kỹ thuật viên bóc tách con chip băng tần - bộ phận kiểm soát kết nối giữa điện thoại với mạng di động - ra khỏi bo mạch chủ.
Bo mạch của của iPhone 3G. Phần có dấu X đỏ chính là con chip băng tần. Ảnh: Dong Ngo/CNET
Đây là một nhiệm vụ cực khó, bởi con chip được gắn gần như cố định vào trong bo mạch. Chỉ một sai lầm nhỏ trong công đoạn này cũng có thể biến chiếc iPhone 3G thành cục sắt vụn.
Con chip đã được bóc tách thành công khỏi bo mạch chủ. Ảnh: Dong Ngo
Sau khi con chip được lấy ra, đến lượt Tuấn Anh ra tay. Anh ta sử dụng một đầu đọc chip để lấy mọi thông tin con chip lưu giữ vào trong 1 file.
Sau đó, anh ta sử dụng phần mềm biên tập Hex để gỡ bỏ mã khoá ra khỏi file. Cuối cùng, con chip sẽ được lập trình lại bằng một file hoàn toàn mới.
Công việc hời
Giờ đây, nó không còn được "chỉ thị" hoạt động với duy nhất một nhà cung cấp nữa. iPhone 3G sẽ tương thích với mọi nền mạng GSM.
Con chip đang được gắn trở lại bo mạch chủ. Ảnh: Dong Ngo
Đến đây, con chip lại được dính lại vào bo mạch chủ - một công đoạn nghẹt thở khác. Và bước cuối cùng, người kỹ thuật viên lắp ráp các bộ phận lại với nhau.
Chiếc điện thoại lại trông như chưa từng có gì xảy ra.
Chỉ có một sự khác biệt duy nhất: giờ đây nó đã được bẻ khoá. Bạn có thể gọi nó bằng mạng của Verizon, Orange hay Mobifone.
Bạn cũng có thể đồng bộ hoá dữ liệu với iTunes và sử dụng mọi chức năng khác mà chẳng gặp phải hỏng hóc, trục trặc nào cả.
Nhưng điều thú vị còn chưa dừng lại tại đó. Tuấn Anh sẽ tặng bạn một món quà gọi là khuyến mại: Hàng loạt ứng dụng và tiện ích sẽ được chèn thêm vào máy mà bạn chẳng phải trả thêm đồng nào.
Sau khi bẻ khoá, iPhone 3G sẽ chạy được trên mọi nền mạng. Ảnh: Dong Ngo/CNET
Mỗi một lần bẻ khoá mất khoảng một tiếng đồng hồ. Đổi lại, Tuấn Anh sẽ kiếm được 1.200.000 VND (khoảng 80 USD) - một khoản thu nhập kha khá.
Theo lời Tuấn Anh, tính tới nay, anh đã mở khoá hàng trăm chiếc điện thoại iPhone 3G cùng hàng ngàn chiếc iPhone đời đầu.
Chưa từng thất bại
Nếu như một chiếc điện thoại được mở khoá từ khi nó còn cài đặt phần mềm 2.1 hoặc 2.0, thì khi người dùng nâng cấp lên gói 2.2, nó sẽ bị khoá trở lại.
Đó là do gói update 2.2 có thêm tính năng chỉnh sửa con chip băng tần - một nước cờ thông minh của Apple để đối phó lại giải pháp mở khoá bằng phần mềm.
Trong trường hợp này, Tuấn Anh sẵn sàng mở khoá lại cho khách với giá "hữu nghị" là 50 USD.
Đối với những trường hợp lỡ tay làm hỏng, Tuấn Anh sẽ đền cho khách hàng một chiếc điện thoại mới. Giá bán của iPhone 3G tại Hà Nội lên tới 800 - 1000 USD, nên cam kết này có thể coi là khá mạnh miệng.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Tuấn Anh chưa một lần thất bại.
"Tôi chỉ mất đúng 2 chiếc iPhone 3G để mò ra cách mở khoá thiết bị này. Đó là khoản đầu tư ban đầu trị giá 2800 USD", Tuấn Anh tiết lộ.
Sức cầu dành cho iPhone và iPhone 3G tại Việt Nam quả là đáng kinh ngạc. Trước khi tôi từ Mỹ về Việt Nam, nhiều người bạn đã nhờ tôi xách hộ họ vài chiếc. Một số thậm chí còn định "trả công xách tay" cho tôi.
Rất tiếc vì thời gian của tôi quá eo hẹp nên chẳng thể làm đẹp lòng ai trong số họ, và bản thân tôi cũng bỏ lỡ một cơ hội "gỡ gạc" phần nào chi phí cho chuyến đi.
Ấy thế mà tôi vẫn bắt gặp trên đường rất nhiều người dùng iPhone. Hầu hết đều được xách tay từ Mỹ và Úc về, Tuấn Anh cho biết.
Ước mơ hợp pháp
Tiệm ĐTDĐ của Tuấn Anh cũng nhận sửa chữa mọi loại ĐTDĐ khác ngoài iPhone, nhất là những dòng không có văn phòng chính hãng tại Hà Nội.
Công việc làm ăn đang rất phát đạt. Tất cả các kỹ thuật viên đều bận rộn, môi trường làm việc rất chuyên nghiệp và yên tĩnh. Cũng dễ hiểu thôi, công việc kiểu này đòi hỏi sự tập trung cao độ mà.
Trang thiết bị làm việc rất khiêm tốn và đơn giản, nên hiển nhiên, các kỹ thuật viên là những người cực kỳ lành nghề.
Thiết bị "tinh vi" nhất mà tôi ghi nhận được là vài chiếc kính hiển vi. Các công cụ còn lại đều phổ biến như tuốc-nơ-vít, cồn, khăn, kìm, kéo nhỏ...
Tuấn Anh hiện đang thuê khoảng 30 nhân viên, với mức lương trung bình 300 USD/tháng/người. Đó là mức lương khá hậu hĩnh ở Hà Nội hiện nay.
Khi được hỏi vì sao lại kinh doanh trong lĩnh vực này, Tuấn Anh - một người có bằng cử nhân lịch sử và báo chí, cho biết anh có niềm đam mê lớn dành cho máy tính và thiết bị điện tử.
Anh hy vọng những gì mình làm không bị coi là phạm pháp, và thật trớ trêu, ước mơ của Tuấn Anh là sẽ trở thành đối tác chính thức của Apple, để có thể đường hoàng hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm của hãng tại Việt Nam.
Nhưng dù có phạm pháp hay không, rõ ràng là chính sách ngặt nghèo" của Apple cũng đã mang đến cho người thanh niên thông minh này một cơ hội lớn. Anh ta đã chứng minh với con người, chẳng có gì là không thể.
(Chú thích: Dong Ngo là biên tập viên của CNET, phụ trách mảng sự kiện về mạng và lưu trữ mạng. Đây là câu chuyện mà anh trải nghiệm trong chuyến về Việt Nam kéo dài 1 tháng của mình.)
Trọng Cầm (Theo CNET)